SỔ TAY KỸ THUẬT XỬ LÝ PHẾ PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP
SỔ TAY
KỸ THUẬT XỬ LÝ PHẾ PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP
Nguyễn Xuân Xanh – Học Viện Nông nghiệp Việt Nam
Tài liệu này được soạn trong khuôn khổ dự án FLC 13-01 do Quỹ Hợp tác Địa Phương Đại sứ quán Phần Lan tài trợ. Thông tin trong tài liệu này không thể hiện quan điểm của Đại sứ quán Phần Lan.
Lời nói đầu
Ô nhiễm môi trường từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, dịch bệnh gia tăng, đất đai suy thoái v.v đang ngày một ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và là thách thức lớn trong phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn hiện nay.
Việc lạm dụng quá mức các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và việc sử dụng ngày càng ít các loại phân hữu cơ truyền thống đã làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, giảm năng suất cây trồng và tăng chi phí sản xuất. Trong khi hầu hết các hộ gia đình ở nông thôn đều có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và có lượng phế phụ phẩm nông nghiệp rất lớn, tuy nhiên họ chưa khai thác hoặc sử dụng hiệu quả để làm phân bón cho cây trồng, thậm chí gây ô nhiễm môi trường như việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch.
Phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón mà các hộ nông dân có thể tự làm từ các loại phế thải như: Chất thải từ người, gia súc và gia cầm; phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc, mía; cây phân xanh v.v được ủ với chế phẩm vi sinh dùng để bón vào đất làm tăng độ phì nhiêu, giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất cho người dân.
Cuốn sổ tay này tập hợp một số thông tin cơ bản về chế phẩm sinh học, phế thải nông nghiệp, quy trình xử lý phế thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, qua đó giúp người đọc có thể tự thực hành xử lý phế thải tại nông hộ, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Biên soạn cuốn sổ tay này là một hoạt động trong khuôn khổ dự án FLC 13-01: “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ” do Quỹ Hợp tác Địa phương – Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội tài trợ. Dự án chân thành cảm ơn Đại sứ quán Phần Lan đã hỗ trợ tài chính cho cuốn sách này.
- Vai trò, ý nghĩa của xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp
Xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất cũng như cuộc sống hàng ngày của các hộ dân, bao gồm:
Tận dụng thời gian lao động nhàn rỗi;
- Làm mất sức nảy mầm của hạt cỏ lẫn trong phân chuồng;
- Tiêu diệt các mầm bệnh có trong phân chuồng;
- Phân hủy các hợp chất hữu cơ, khó tiêu thành dễ tiêu, khoáng chất, nguyên tố vi lượng cung cấp cho cây trồng sử dụng dễ dàng hơn;
- Làm tăng độ phì nhiêu của đất và có tác dụng cải tạo đất;
- Sử dụng an toàn và vệ sinh cho cây trồng, vật nuôi và con người, hạn chế các chất độc hại tồn dư trong cây trồng;
- Hạn chế sự phát tán của các vi sinh vật mang mầm bệnh trên rau màu;
- Tăng năng suất và chất lượng cho cây trồng;
- Rút ngắn được thời gian phân hủy.
2. Kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp
2.1. Những phế phụ phẩm nông nghiệp nào có thể dùng để xử lý thành phân hữu cơ được?
Hầu hết các phế phụ phẩm hữu cơ từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp thực phẩm đều có thể xử lý thành phân bón hữu cơ. Các nguồn phế thải chính có thể sử dụng gồm:
- Rơm rạ, thân lá cây ngô, lạc, đậu đỗ sau thu hoạch;
- Cây phân xanh, bèo tây;
- Vỏ lạc, trấu;
- Phân gia súc, gia cầm;
- Các loại mùn: mùn cưa, mùn mía, giấy;
- Cám gạo, rỉ mật hoặc mật mía.
2.2. Tỷ lệ nguyên liệu thế nào là phù hợp?
Về cơ bản nên theo tỷ lệ: Cây xanh các loại: 50% – Phân gia súc, gia cầm: 20 – 30% – Rơm, rạ hay vỏ trấu: 20 – 30
2.3. Kích thước nguyên vật liệu thế nào?
Kích thước nguyên liệu thô tác động tới tốc độ phân hủy của phân ủ. Do đó những nguyên liệu lớn như thân cây ngô, cỏ voi, nên cắt thành đoạn kích cỡ 5 – 7 cm trước khi ủ.
2.4. Những vật liệu không nên sử dụng?
- Cây bị bệnh, vì có thể làm lây lan nguồn bệnh hại.
- Cây có nhiều gai, vì thể gây khó khăn trong quá trình sử dụng.
- Các loại cỏ lâu năm sống dai, vì có thể lây lan cỏ dại.
- Thịt vụn, vì có thể hấp dẫn chuột hay các loại côn trùng.
2.5. Kích thước đống ủ thế nào?
Kích thước hợp lý cho một đống phân ủ rộng khoảng 1,5 – 2 mét, cao 1,5 mét và chiều dài tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu sẵn có.
2.6. Chế phẩm xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp là gì?
Là những sản phẩm bao gồm hỗn hợp nhiều chủng vi sinh vật có ích nhằm mục đích cải thiện môi trường, sức khỏe con người và cây trồng vật nuôi.
2.7. Thành phần của chế phẩm là gì?
Là tập hợp các loài vi sinh vật gồm:
- Vi khuẩn quang hợp,
- Vi khuẩn Lactic, nấm men,
- Xạ khuẩn, nấm mốc sống cộng sinh.
2.8. Chế phẩm có an toàn với con người, môi trường và vật nuôi?
Chế phẩm sinh học rất an toàn với môi trường, con người, vật nuôi, cây trồng.
2.8. Tác dụng của chế phẩm sinh học?
- Phân giải nhanh chất thải hữu cơ, rác thải, phân gia súc, gia cầm,;
- Chuyển hóa phân lân khó tiêu thành dễ tiêu;
- Giảm các vi sinh vật gây hại;
- Cải thiện môi trường đất, thúc đẩy hệ vi sinh vật có ích phát triển;
- Giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt;
- Giảm phân hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác;
- Nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
2.10. Một số chế phẩm sinh học thông dụng?
Hiện nay trên thị trường đang bán rất nhiều loại chế phẩm sinh học của nhiều công ty với nhiều nhãn mác khác nhau.
Ví dụ:EMINA, EM, BALASA, BALASA N01, BRF-2 quakit, Esol, WEVIRO, VEM-K, EMC, V.EM, BIO-EM, v.v
2.11. Chế phẩm sinh học mua ở đâu?
Đại lý vật tư nông nghiệp hoặc liên hệ qua cán bộ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông tại địa phương để biết thông tin.
2.12. Sử dụng chế phẩm sinh học như thế nào?
Thực hiện theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì hoặc quy trình kỹ thuật kèm theo sản phẩm.
2.13. Các bước tiến hành xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp
Bước 1: Chọn nơi ủ
- Chọn chỗ đất bằng phẳng hoặc nền đất lát gạch hoặc láng xi măng;
- Tạo rãnh xung quanh và hố gom nhỏ ở nền đất bằng phẳng để tránh nước ủ phân chảy ra ngoài khi tưới quá ẩm.
- Có thể ủ trong nhà kho, chuồng nuôi không còn sử dụng để tận dụng mái Nếu ủ trong kho phải có thoát nước.
- Nên sử dụng diện tích nền khoảng 3m2 nếu ủ 1 tấn phân.
Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu
Tùy vào từng thời điểm, mục đích sử dụng và điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình mà số lượng và thành phần nguyên vật liệu chuẩn bị để xử lý rất khác nhau. Phần trăm các thành phần phối trộn nên:
- Phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt có nguồn gốc từ cây xanh (70 – 80%): rơm, rạ, trấu, thân lá rau, lạc, đậu đỗ, cỏ khô, thức ăn thừa, v.v;
- Phân chuồng (20 – 30%): phân trâu, bò, lợn, gà, dê, thỏ, v.v.
Bước 3: Chuẩn bị dụng cụ
- Dụng cụ: bình tưới ô doa, cào, cuốc, xẻng, ủng…
- Vật liệu để che đậy, làm mái: Có thể dùng các loại vật liệu sẵn có như bạt, bao tải, nilon… che đậy và các loại lá để làm mái tránh mưa, ánh nắng và giữ nhiệt cho đống ủ.
Bước 4: Trộn chế phẩm sinh học và nước gỉ mật
Để trộn đều gói chế phẩm và nước gỉ mật hoặc mật mía cho 1 tấn nguyên liệu ủ, làm cách sau:
- Chia phế phẩm và nước gỉ mật làm 5 phần.
- Cho 1 phần chế phẩm và nước gỉ mật vào ô doa nước khuấy đều.
- Sử dụng các phần chế phẩm đã trộn cho mỗi lớp rải nguyên liệu.
Bước 5: Tiến hành ủ
Tiến hành ủ theo trình tự như trong hình sau:
Lưu ý: Nếu nguyên liệu ủ khô nhiều thì sau mỗi lớp ủ cần tưới thêm nước, lượng nước (kể cả nước dùng hòa chế phẩm) khoảng 1 nửa ô doa đến 2 ô doa tùy thuộc vào nguyên liệu khô nhiều hay ít.
Bước 6: Che đậy đống ủ
- Che đậy đống ủ bằng bạt, bao tải dứa hoặc nilon.
- Để đảm bảo tốt hơn và tránh ánh sáng chiếu trực tiếp đống ủ nên che thêm tấm che bằng lá hoặc mái lợp. Vào mùa đông, cần phải che đậy kỹ để nhiệt độ đống ủ được duy trì ở mức 40 – 50oC.
Bước 7: Đảo đống ủ và bảo quản
- Khoảng 7-10 ngày tiến hành kiểm tra, đảo trộn và nếu nguyên liệu khô thì bổ sung nước (khoảng vài ô doa), nếu quá ướt dùng cây hoặc cào khêu cho đống phân thoáng khí thoát hơi nhanh. Cứ 15-20 ngày nên đảo đống phân ủ 1 lần.
- Cách kiểm tra nhiệt độ đống ủ: Sau ủ khoảng 7-10 ngày, dùng gậy tre vót nhọn chọc vào giữa đống phân ủ, khoảng 10 phút sau lấy gậy ra, cầm vào gậy tre thấy nóng tay là được. Nếu không đủ nóng có thể là do nguyên liệu đem ủ quá khô hoặc quá ướt.
- Cách kiểm tra độ ẩm đống ủ: Nếu thấy nước ngấm đều trong rác thải, phế thải và khi cầm thấy mềm là đạt độ ẩm cần thiết. Với than bùn, mùn cưa, mùn mía… nếu bóp chặt thấy nước rịn qua kẽ tay là đạt ẩm khoảng 50 %, nếu nước chảy ra là quá ẩm, xòe tay ra thấy vỡ là quá khô.
3. Sử dụng sản phẩm ủ
3.1. Xử lý phân ủ trước khi sử dụng
Những dấu hiệu cho biết phân ủ có thể sử dụng được:
- Đống phân ủ thu nhỏ lại tới một nửa so với kích cỡ ban đầu.
- Vật liệu ủ ban đầu phân hủy và không còn hình dạng ban đầu.
- Đống phân ủ không còn tạo nhiệt.
* Xử lý phân ủ
Nếu phân ủ chưa thể sử dụng được cần phải “xử lý” thêm trong một thời gian nhất định. Xử lý là quá trình cho phép phân ủ đã hoàn tất giai đoạn ủ nóng chuyển sang hoàn tất quá trình phân huỷ.
Nếu phân ủ được lưu giữ lâu quá trước khi sử dụng sẽ mất đi một số chất dinh dưỡng và có thể là nơi sinh sản cho những côn trùng không mong muốn.
* Can thiệp lần cuối
Hệ thống phân ủ của bạn có thể không phân huỷ hết tất cả các vật liệu có kích cỡ lớn như lõi ngô, phoi bào trong lần ủ đầu. Khi bạn sàng phân ủ có thể loại bỏ những vật liệu kích cỡ lớn để có thể sử dụng cho lần ủ sau.
* Kiểm tra sự hoàn chỉnh của phân ủ
Một phương pháp thử đơn giản là cho phân ủ vào một vài bầu nhỏ và gieo một vài hạt cải củ vào đó (hoặc hạt của bất kỳ cây trồng nào có thể nẩy mầm và trưởng thành nhanh). Nếu 3/4 số hạt hoặc nhiều hơn nẩy mầm và phát triển thành cây cải củ, thì phân ủ đã có thể sử dụng được.
3.2. Cách sử dụng phân ủ
- Để cho kết quả tốt nhất, chỉ sử dụng phân ủ đã hoàn chỉnh để cải tạo đất;
- Phân ủ dùng để cải tạo đất nên bón vào đất trước khi gieo trồng;
- Rải một lớp phân ủ dầy từ 3 – 5 cm lên trên mặt đất, sau đó đảo phân xuống đất ở độ sâu 8-10 cm;
- Không nên vùi sâu hơn vì rễ cây không hấp thu được chất dinh dưỡng từ phân ủ;
Chúc bà con thành công!
Để được tư vấn kỹ thuật xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ.
Liên hệ: Công ty TNHH Nông nghiệp Thông minh Hà Nội
ĐC: 12/16, Đường HV Nông nghiệp Việt Nam, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội
ĐT: 0964350428